Điều 89. Tổ chức toà án
Quyền lực tư pháp được trao cho các thẩm phán, và quyền lực này được thực thi bởi Tòa án Hiến pháp Liên bang, các tòa án liên bang được quy định trong Luật Hiến pháp này và các tòa án của Bang.
Điều 90. Thẩm quyền của Toà án Hiến pháp Liên bang
(1) Tòa án Hiến pháp Liên bang có thẩm quyền:
1. Trong việc giải thích Luật Hiến pháp đối với các trường hợp tranh chấp liên quan đến phạm vi của các quyền và nghĩa vụ của một cơ quan liên bang tối cao, hoặc của các cơ quan khác nhau được trao quyền theo Luật Hiến pháp, hoặc bởi các quy tắc thủ tục của một cơ quan liên bang tối cao;
2. Trong trường hợp có bất đồng hoặc nghi ngờ liên quan đến sự tương thích về mặt hình thức hoặc nội dung của luật Liên bang hoặc luật Bang với Luật Hiến pháp, hoặc sự tương thích của luật Bang với các luật Liên bang khác;
3. Trong trường hợp bất đồng liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của Liên bang và các Bang, đặc biệt là trong việc thi hành luật Liên bang bởi các Bang và trong việc thực thi giám sát của Liên bang;
4. Trong các tranh chấp khác liên quan đến luật công giữa Liên bang và các Bang, giữa các Bang với nhau, hoặc trong các Bang, trừ khi có cơ chế giải quyết của một tòa án khác;
5. Về các khiếu nại bởi bất cứ cá nhân nào tố cáo rằng một trong các quyền cơ bản của mình hoặc một trong các quyền theo đoạn 4 của Điều 22, hoặc Điều 30, 35, 98, 99, hoặc 100 bị xâm phạm bởi cơ quan công quyền;
6. Về các khiếu nại của các tổ chức đối với việc họ không được công nhận như là một chính đảng được quyền tham gia tranh cử vào Hạ nghị viện;
7. Trong các trường hợp khác được quy định tại Luật Hiến pháp này, hoặc trong các trường hợp liên quan đến các điều khoản được đề cập đến trong Hiến pháp này mà không có một cơ quan nào khác được thiết lập để giải quyết vụ việc.
(2) Tòa án Hiến pháp Quốc gia cũng quyết định các vấn đề khác được trao cho theo một đạo luật Liên bang.
Điều 91. Thành phần Toà án Hiến pháp Liên bang
(1) Tòa án Hiến pháp Liên bang bao gồm các thẩm phán liên bang và các thành viên khác. Một nửa số thành viên của Tòa án Hiến pháp Liên bang được bầu bởi Thượng nghị viện và một nửa bởi Hạ nghị viện. Họ không được là thành viên của Thượng nghị viện, Hạ nghị viện, Chính phủ Liên bang, hoặc của bất kỳ cơ quan tương tự nào của Bang.
(2) Tổ chức và thủ tục của Tòa án Hiến pháp Liên bang được quy định bởi một đạo luật liên bang; trong đó, đạo luật sẽ chỉ rõ các trường hợp mà phán quyết của Toà án Hiến pháp Liên bang có hiệu lực như luật. Luật cũng có thể yêu cầu rằng tất cả các cơ chế pháp lý khác phải được sử dụng hết trước khi nộp đơn khiếu nại lên Toà án Hiến pháp Liên bang, và luật cũng có thể quy định một tiến trình riêng biệt để xác định rằng liệu đơn khiếu nại có được thụ lý hay không.
Điều 92. Các toà án liên bang tối cao
(1) Liên bang sẽ thành lập Tòa án Tư pháp Liên bang, Tòa án Hành chính Liên bang, Tòa án Tài chính Liên bang, Tòa án Lao động Liên bang và Tòa án Xã hội Liên bang với tư cách là các tòa án tối cao có thẩm quyền tương ứng đối với các lĩnh vực về phổ thông, hành chính, tài chính, lao động và xã hội.
(2) Trong mỗi toà án tối cao, một Bộ trưởng Liên bang có thẩm quyền cùng với một uỷ ban sẽ chọn ra các thẩm phán. Uỷ ban này bao gồm các bộ trưởng Bang có thẩm quyền và một số lượng tương ứng các thành viên được lựa chọn bởi Hạ nghị viện.
(3) Một Hội đồng Toà án Tối cao bao gồm các toà án tối cao được xác định trong đoạn (1) của điều luật này được thiết lập nhằm bảo đảm tính thống nhất trong các quyết định. Chi tiết sẽ được quy định bởi một đạo luật liên bang.
Điều 93. Các toà án liên bang khác
(1) Liên bang có thể thiết lập một tòa án liên bang để phân xử các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp.
(2) Liên bang có thể thành lập toà án liên bang về tội phạm quân sự cho các lực lượng vũ trang. Toà án này chỉ có thể thực hiện thẩm quyền xét xử hình sự khi liên bang đang ở trong tình trạng phòng vệ hoặc đối với các thành viên của lực lượng vũ trang phục vụ ở nước ngoài hoặc trên các tàu chiến. Các chi tiết sẽ được quy định bởi một đạo luật liên bang. Toà án này sẽ được bảo trợ bởi Bộ trưởng Tư pháp Liên bang. Những thẩm phán toàn thời gian của toà án này sẽ là những người đủ điều kiện nắm giữ các vị trí tư pháp.
(3) Toà án phúc thẩm tối cao cho các toà án được nêu tại đoạn (1) và (2) của Điều này sẽ là Toà án Tư pháp Liên bang.
(4) Một luật liên bang có thể quy định rằng các toà án của các Bang sẽ thực hiện thẩm quyền tư pháp liên bang đối với các vụ kiện hình sự trong các vấn đề sau:
1- tội diệt chủng;
2- tội ác chống nhân loại theo luật hình sự quốc tế;
3- tội phạm chiến tranh;
4- các hành vi dự tính và được thực hiện với ý định làm xáo trộn quan
hệ hòa bình giữa các quốc gia;
5- an ninh quốc gia.
Điều 94. Độc lập tư pháp
(1) Các thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
(2) Các thẩm phán được bổ nhiệm nắm giữ những vị trí toàn thời gian một cách vĩnh viễn chỉ có thể bị sa thải, bị hoãn tạm thời hay lâu dài, bị thuyên chuyển hay bị nghỉ hưu một cách bắt buộc trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình chỉ bởi những quyết định tư pháp và chỉ bởi những nguyên do và cách thức được luật quy định. Quốc hội có thể định ra giới hạn tuổi nghỉ hưu của các thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời. Trong trường hợp có sự thay đổi trong cơ cấu toà án hay trong khu vực của họ, các thẩm phán có thể được thuyên chuyển tới một toà án khác hoặc cho bãi nhiễm miễn là họ được duy trì toàn bộ mức lương.
Điều 95. Địa vị pháp lý của thẩm phán – Việc buộc tội
(1) Tư cách pháp lý của các thẩm phán liên bang sẽ được quy định bởi một đạo luật liên bang.
(2) Nếu một thẩm phán liên bang vi phạm các nguyên tắc của bản Luật Hiến pháp này hoặc trật tự hiến pháp của một Bang khi đang đảm nhận công việc một cách chính thức hay là không, thì theo đề nghị của Hạ nghị viện, Toà án Hiến pháp Liên bang có thể đưa ra phán quyết theo tỉ lệ đa số lớn với hai phần ba thành viên ưng thuận quyết định thuyên chuyển hoặc cho nghỉ hưu thẩm phán. Trong trường hợp vi phạm do cố ý, Toà án Hiến pháp Liên bang có thể ra lệnh miễn nhiệm thẩm phán.
(3) Tư cách pháp lý của thẩm phán tại các Bang sẽ được quy định bởi các đạo luật cụ thể của Bang nếu Liên bang không có một đạo luật như vậy. Trong trường hợp Liên bang có một đạo luật tương ứng, luật của Liên bang giữ vai trò ưu thế so với luật của Bang.
(4) Các Bang phải quy định rằng việc chọn các thẩm phán của Bang sẽ do sự phối hợp giữa Bộ trưởng Tư pháp Bang và một uỷ ban tuyển chọn thẩm phán.
(5) Các Bang có thể ban hành các quy định đối với thẩm phán của Bang tương ứng với các quy định tại đoạn (2) của Điều này. Quyết định về việc luận tội các thẩm phán thuộc về trách nhiệm của Toà án Hiến pháp Liên bang.
Điều 96. Tranh chấp về hiến pháp trong Bang
(1) Các tranh chấp về hiến pháp trong Bang sẽ nhận được phán quyết cuối cùng bởi Toà án Hiến pháp Liên bang.
(2) Các tranh chấp liên quan đến việc áp dụng luật của Bang sẽ nhận được phán quyết cuối cùng bởi các toà án liên bang tối cao tương ứng theo Điều 92.
Điều 97. Giám sát tư pháp cụ thể
(1) Nếu một toà án kết luận rằng một đạo luật, mà dựa vào nó toà sẽ đưa ra phán quyết, là vi phạm hiến pháp thì tiến trình tố tụng sẽ phải bị hoãn, và một toà án Bang có thẩm quyền đối với các tranh luận về hiến pháp Bang sẽ đưa ra quyết định nếu hiến pháp Bang bị vi phạm, hoặc Toà án Hiến pháp Liên bang sẽ đưa ra quyết định nếu Luật Hiến pháp này bị vi phạm. Quy định này cũng được áp dụng trong trường hợp luật của Bang vi phạm Luật Hiến pháp hay luật của Bang trái với luật Liên bang.
(2) Nếu, trong quá trình tố tụng, có nghi ngờ rằng liệu một quy tắc của luật quốc tế có là một phần không thể tách rời của luật liên bang hay không và liệu rằng nó có trực tiếp tạo ra các quyền và nghĩa vụ cho một cá nhân hay không (Điều 24), thì toà án sẽ phải xin phán quyết từ Toà án Hiến pháp Liên bang.
(3) Nếu toà án hiến pháp của một Bang, dựa vào giải thích của Luật Hiến pháp này, dự kiến đưa ra một phán quyết khác với quyết định của Toà án Hiến pháp Liên bang hoặc khác với quyết định của toà án hiến pháp của một Bang khác, thì họ sẽ phải xin quyết định từ Toà án Hiến pháp Liên bang.
Điều 98. Cấm các toà án đặc biệt
(1) Không tồn tại các tòa án đặc biệt. Không ai có thể bị tước quyền được phán xét bởi các thẩm phán hợp pháp.
(2) Các tòa án trong các lĩnh vực pháp luật cụ thể chỉ có thể được thiết lập bởi một đạo luật.
Điều 99. Xét xử công bằng
(1) Trước tòa án, mọi người đều được xét xử đúng theo quy định của luật.
(2) Một hành vi chỉ có thể bị trừng phạt khi mà đã tồn tại một đạo luật trước đó xác định rằng hành vi đó phạm tội hình sự.
(3) Không ai bị trừng phạt nhiều hơn một lần cho một hành động vi phạm theo luật hình sự chung.
Điều 100. Tước tự do
(1) Tự do của con người chỉ có thể bị hạn chế theo một đạo luật chính thức và chỉ tuân theo những thủ tục được trình bày trong đó. Những người bị giam giữ không thể bị ngược đãi về tinh thần hay thể chất.
(2) Chỉ có thẩm phán mới có thể đưa ra phán quyết cho phép việc tước đoạt tự do. Nếu một sự tước đoạt tự do không dựa trên một yêu cầu tư pháp thì một quyết định tư pháp phải được lấy ngay lập tức. Cảnh sát không thể tạm giữ người quá một ngày kể từ khi bắt giữ. Các chi tiết sẽ được quy định theo luật.
(3) Một người bị tạm giữ do nghi ngờ phạm một tội hình sự phải được gặp thẩm phán trong vòng một ngày sau khi bị bắt; thẩm phán có trách nhiệm thông báo cho nghi can về lý do bắt giữ, lấy lời khai, và để cho người đó có cơ hội lên tiếng phản đối. Vị thẩm phán, một cách không chậm trễ, phải đưa ra một lệnh bắt giữ bằng văn bản nêu các lý do bắt giữ hoặc ra lệnh thả nghi can.
(4) Một người thân hoặc một người đáng tin cậy của người bị tạm giữ sẽ được thông báo một cách không chậm trễ về bất cứ quyết định tư pháp nào liên quan đến việc áp đặt hay tiếp tục duy trì việc tước đoạt quyền tự do.
(hết Chương 9 của Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Việt Nam)
Leave a Reply