Điều 101. Phân bổ chi phí – Hệ thống tài chính – Trách nhiệm
(1) Liên bang và các Bang chi tiêu độc lập để thực hiện các nghĩa vụ của mình khi Luật Hiến pháp này không có quy định khác.
(2) Trường hợp các Bang hành động theo ủy quyền của Liên bang, Liên bang sẽ trả các khoản chi phí phát sinh.
(3) Luật liên bang về khoản tiền tài trợ cho Bang trong mỗi dự án có thể quy định rằng Liên bang có trách nhiệm trả toàn bộ hoặc một phần tiền tài trợ. Nếu luật đó quy định rằng Liên bang sẽ trả một nửa hoặc nhiều hơn, dự án sẽ được thực hiện bởi các Bang theo uỷ quyền của Liên bang.
(4) Luật liên bang mà quy định rằng Bang có nghĩa vụ cung cấp các khoản tiền tài trợ, hoặc cung cấp các tài sản có giá trị quy đổi thành tiền hoặc các dịch vụ có giá trị tương đương, cho một bên thứ ba và điều này được thực hiện bởi Bang theo thẩm quyền của mình hoặc là dưới sự uỷ nhiệm của Liên bang như được đề cập đến trong câu thứ hai của đoạn (3) sẽ cần sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện nếu như Bang chịu các chi phí phát sinh từ các hoạt động đó.
(5) Liên bang và Bang sẽ chi trả các chi phí hành chính phát sinh bởi các cơ quan chức năng của mình và có trách nhiệm cùng nhau bảo đảm cho hoạt động quản lý được hợp lý. Các chi tiết sẽ được quy định bởi một đạo luật liên bang với sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện.
Điều 102. Hỗ trợ tài chính cho Bang
(1) Liên bang, thông qua một luật liên bang với sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện, có thể cung cấp cho Bang những hỗ trợ tài chính cho những dự án đầu tư quan trọng nhằm phát triển kinh tế, giáo dục, và an sinh xã hội.
(2) Liên bang có thể cung cấp cho Bang các khoản hỗ trợ tài chính khẩn cấp trong trường hợp có thiên tai hoặc trong những trường hợp khẩn cấp đặc biệt vượt ngoài tầm kiểm soát và gây tổn hại nghiêm trọng đến khả năng tài chính của chính quyền Bang.
Điều 103. Phân quyền liên quan đến luật thuế
(1) Liên bang có toàn quyền lập pháp đối với thuế hải quan và các doanh nghiệp công.
(2) Liên bang có quyền lập pháp song trùng liên quan đến thuế trên tài sản bất động sản. Liên bang cũng có quyền lập pháp song trùng liên quan đến tất cả các loại thuế khác mà doanh thu từ đó thuộc về liên bang hoàn toàn hoặc một phần, hoặc đối với những loại thuế mà các điều kiện quy định tại đoạn (2) của Điều 74 áp dụng.
(3) Các Bang có quyền lập pháp đối với các loại thuế chi tiêu và tiêu thụ tại địa phương, chừng nào loại thuế này không cùng loại với loại thuế đã được luật liên bang quy định. Các Bang có quyền xác định mức thuế suất đối với thuế chuyển nhượng bất động sản.
(4) Các luật liên bang liên quan đến thuế mà doanh thu từ đó hoàn toàn hoặc một phần thuộc về các bang hoặc các đô thị sẽ cần có sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện.
Điều 104. Phân chia thuế và lợi nhuận độc quyền tài chính
(1) Doanh thu từ các loại thuế sau đây thuộc về Liên bang:
1. thuế hải quan;
2. thuế tiêu thụ trong chừng mực chúng không thuộc về các Bang theo đoạn (2) hoặc không cùng thuộc về Liên bang và Bang theo đoạn (3);
3. thuế vận tải đường bộ, thuế xe cơ giới và các loại thuế khác liên quan đến các giao dịch liên quan đến phương tiện cơ giới;
4. các loại thuế đánh vào các giao dịch vốn, bảo hiểm và hối phiếu;
5. các khoản thuế một lần trên tài sản và các khoản thuế cân bằng gánh nặng nhằm giúp trang trải các dự án và dịch vụ công mà người hưởng thụ có thể đóng góp phần của mình;
6. thuế bổ sung trên thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp.
(2) Doanh thu từ các loại thuế sau đây thuộc về các Bang:
1. thuế tài sản;
2. thuế thừa kế;
3. thuế trên các giao dịch mà nó không thuộc về Liên bang theo đoạn (1) hoặc không thuộc về Liên bang và Bang theo đoạn (3) của Điều này;
4. thuế nước uống có cồn;
5. thuế dịch vụ cờ bạc.
(3) Doanh thu từ thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp, và thuế doanh thu cùng thuộc về Liên bang và Bang. Phần thu của Liên bang và các Bang từ thuế được xác định bởi luật liên bang với sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện.
Điều 105. Quản lý tài chính của Liên bang và các bang – Tòa án tài chính
(1) Các loại thuế mà doanh thu thuộc hoàn toàn về Liên bang sẽ được quản lý bởi cơ quan tài chính liên bang. Việc tổ chức các cơ quan này sẽ được quy định bởi một đạo luật liên bang. Người đứng đầu các cơ quan quản lý tài chính này ở địa phương sẽ được bổ nhiệm với sự tham vấn với chính quyền Bang.
(2) Các loại thuế khác sẽ được quản lý bởi các cơ quan tài chính của Bang. Việc tổ chức của các cơ quan này và việc đào tạo đồng nhất lực lượng công chức sẽ được quy định bởi một đạo luật liên bang có sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện. Việc bổ nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lý tài chính này ở địa phương cần có sự đồng ý từ Chính phủ Liên bang.
(3) Đối với những loại thuế mà doanh thu của nó thuộc hoàn toàn hoặc một phần về Liên bang và những loại thuế này đang được quản lý bởi các cơ quan tài chính của Bang thì các cơ quan tài chính này sẽ hành động dựa trên sự uỷ nhiệm của Chính phủ Liên bang. Đoạn (3) và (4) của Điều 85 sẽ áp dụng, và Bộ trưởng Tài chính Liên bang sẽ hành động thay mặt Chính phủ Liên bang.
(4) Để thực thi các luật thuế được hiệu quả, một đạo luật liên bang với sự tán thành của Thượng nghị viện có thể quy định sự hợp tác giữa các cơ quan thuế của Liên bang và Bang và giữa các Bang trong các vấn đề liên quan đến quản lý thuế.
(5) Các cơ quan tài chính liên bang tuân thủ các quy định bởi luật liên bang. Các cơ quan tài chính của Bang và địa phương tuân thủ các quy định bởi luật liên bang với sự chuẩn thuận bởi Thượng nghị viện.
(6) Thẩm quyền tài chính được quy định một cách thống nhất bởi một luật liên bang.
(7) Chính phủ Liên bang, với sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện, có thể ban hành các quy tắc hành chính chung có giá trị áp dụng đến các cơ quan tài chính của địa phương.
Điều 106. Quản lý ngân sách Liên bang và các Bang
(1) Liên bang và các Bang tự quản và độc lập với nhau trong việc quản lý ngân sách riêng.
(2) Ngân sách của Liên bang và các Bang về nguyên tắc được cân bằng mà không cần nguồn thu từ các khoản vay.
(3) Việc vay mượn của chính quyền tiểu bang cần sự chuẩn thuận của chính quyền liên bang.
(4) Một luật liên bang với sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện có thể thiết lập các nguyên tắc trong cả ngắn hạn và dài hạn cho việc quản lý ngân sách ở cấp Liên bang và Bang.
(5) Một cơ quan chung chịu trách nhiệm giám sát liên tục ngân sách liên bang và các Bang để tránh tình trạng khủng hoảng ngân sách sẽ được thiết lập theo một đạo luật liên bang và đạo luật này cần sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện.
Điều 107. Ngân sách Liên bang
(1) Tất cả các khoản thu và chi của Liên bang đều được tính vào ngân sách.
(2) Ngân sách cho một hoặc nhiều năm tài chính được quy định trong một đạo luật được ban hành trước thời điểm bắt đầu của năm đầu tiên và có các quy định riêng biệt cho mỗi năm. Luật có thể quy định các phần khác nhau của ngân sách áp dụng cho các giai đoạn khác nhau, chia theo các năm tài chính.
(3) Các dự luật tuân theo câu đầu tiên của đoạn (2) của Điều này, các sửa đổi về luật ngân sách, hay chính ngân sách sẽ được đệ trình cùng một lúc tới Thượng nghị viện và Hạ nghị viện. Thượng nghị viện có quyền nêu ý kiến trong vòng 4 tuần.
Điều 108. Quản lý ngân sách Liên bang thời kỳ chuyển đổi
(1) Nếu, vào cuối năm tài chính, ngân sách cho những năm sau không được thông qua bởi một luật, Chính phủ Liên bang có thể chi các khoản cần thiết sau đây cho đến khi luật đó có hiệu lực:
a) Để duy trì các tổ chức được thành lập theo quy định của luật và tiến hành các biện pháp luật định;
b) Để đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý của Liên bang;
c) Để tiếp tục các dự án xây dựng, mua sắm và cung cấp các lợi ích hay dịch vụ khác, hoặc để tiếp tục chi trả cho những mục đích này trong giới hạn mà những khoản chi trả này đã được đồng ý từ ngân sách của năm trước.
(2) Trong trường hợp ngân sách không đủ chi trả cho các hoạt động được đề cập đến trong đoạn (1) của Điều này, Chính phủ Liên bang có thể vay lượng tín dụng cần thiết để duy trì các hoạt động này và mức vay tối đa là một phần tư ngân sách năm trước.
Điều 109. Chi ngân sách đặc biệt
Các khoản chi vượt hoặc nằm ngoài kế hoạch ngân sách cần phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Tài chính Liên bang. Một sự đồng ý như vậy chỉ có thể được đưa ra trong trường hợp nhu cầu là không lường trước được hoặc không thể tránh được. Chi tiết được quy định bởi luật liên bang.
Điều 110. Báo cáo và kiểm toán
(1) Với mục đích thực thi nhiệm vụ của Chính phủ Liên bang, Bộ trưởng Tài chính Liên bang hàng năm phải nộp cho Hạ nghị viện và Thượng nghị viện một báo cáo tài chính về tất cả các khoản thu và chi, cũng như tài sản và các khoản nợ trong năm tài chính.
(2) Toà án Kiểm toán Liên bang mà các thành viên của nó sẽ được hưởng sự độc lập tư pháp có nhiệm vụ kiểm toán các tài khoản và xác định liệu tài chính công có được quản lý đúng đắn và hiệu quả bởi Liên bang hay không. Để thực hiện việc kiểm toán theo câu đầu tiên của đoạn này, Toà án Kiểm toán Liên bang có thể tiến hành khảo sát các cơ quan ngoài chính quyền liên bang; điều này cũng áp dụng trong trường hợp Liên bang phân bổ tài chính có mục đích cho các Bang để thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các Bang. Toà án sẽ báo cáo hàng năm trực tiếp đến Hạ nghị viện, Thượng nghị viện, và Chính phủ Liên bang. Những vấn đề khác liên quan đến quyền hạn của Toà án Kiểm toán Liên bang sẽ được quy định bởi một đạo luật liên bang.
(Hết chương 10 của Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Việt Nam)
Leave a Reply