Miến Điện và Quá Trình Dân Chủ Hóa

Những ngày còn là sinh
viên đại học ở Singapore, khoảng những năm 2004, khi đi làm thêm ở khách sạn,
các bạn của tôi chủ yếu là người Miến Điện. Tò mò muốn xem thử dân Miến Điện
nghĩ gì về Aung San Suu Kyi và tình hình dân chủ, tôi hỏi các bạn người Miến. Bạn
e dè gọi Aung San Suu Kyi là Madam; khi hỏi bạn có dấn thân cho phong trào dân
chủ không, bạn lắc đầu: họ có súng. Với rất nhiều người Miến Điện lúc bấy giờ,
tình hình chẳng mấy khả quan, và dân chủ theo nghĩa được có tự do báo chí và tự
do bầu chọn ra những người lãnh đạo bất kể đảng phái nhằm dẫn dắt đất nước là một
điều gì đó xa vời.

Miến Điện. Nguồn: Internet.

Cuối năm 2007, cuộc biểu
tình của các nhà sư bùng nổ, bắt nguồn từ việc chính phủ Miến Điện giảm trợ cấp
xăng dầu. Chính quyền quân sự quyết định đàn áp cuộc biểu tình và bắt giữ những
người cầm đầu. Cuộc biểu tình dẹp yên và Miến Điện lại trở nên yên bình. Những
diễn biến cho thấy phe quân sự nắm giữ mọi phương tiện và dễ dàng xử lý phong
trào dân chủ Miến Điện. Một lần nữa hẳn nhiều người sẽ thấy con đường dân chủ
còn xa lắm.
Năm 2009, lúc tôi ở Thụy
Điển, thông qua một người bạn quen một anh người Miến Điện, là con quan chức
trong chính quyền và qua Thụy Điển học, tôi nghe được thông tin rằng anh sẽ về
Miến Điện và sắp tới sẽ có cải cách lớn. Một thông tin thú vị nhưng khó tin vì
mới cách đây không lâu chính quyền thẳng tay đàn áp biểu tình. Tôi nghe với mục
đích lưu giữ thông tin.
Bốn năm sau, đến năm
2011 thì chính quyền quân sự Miến Điện hoãn dự án xây đập của Trung Quốc và mạnh
dạn bắt đầu những cải cách chính trị.
Nối kết những sự kiện
trên cho thấy rằng chính quyền Miến Điện lúc đầu thực chất không muốn cải cách,
vì cải cách đồng nghĩa với quyền lực bị giảm đi. Họ cũng đã tìm đến Trung Quốc
như một phao cứu sinh cho nền kinh tế khủng hoảng của mình, nhưng cuối cùng cảm
thấy con bài Trung Quốc cũng không thể cứu vãn được, và do đó quyết định chọn lựa
cải cách chính trị có kiểm soát. Giới cầm quyền quân nhân Miến Điện đã chơi một
ván bài đặt nhiều cửa khác nhau. Vậy đâu là thách thức to lớn khiến giới  quân đội Miến Điện bắt buộc cải cách? Không
gì hơn, đó là những thách thức và lợi ích về kinh tế, vì về quyền lực cách đây
không lâu họ sẵn sàng và dễ dàng ra tay đàn áp các cuộc chống đối.
Sau khi độc lập khỏi
Anh năm 1948, Miến Điện trở thành một nước dân chủ. Dưới sự dẫn dắt của thủ tướng
U Nu theo mô hình phúc lợi xã hội chủ nghĩa, Miến Điện từ một nước thịnh vượng
dưới sự bảo hộ của Anh bước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. Hàng hóa khan hiếm,
ngân sách không đủ, chính phủ giải quyết khủng hoảng bằng cách in thêm tiền khiến
lạm phát tăng và khủng hoảng thêm trầm trọng.
Khủng hoảng kinh tế
kéo theo khủng hoảng chính trị. Tướng Ne Win đảo chính năm 1958 và thiết lập chế
độ xã hội chủ nghĩa trên toàn Miến Điện kể từ đó. Dưới quyền tướng Ne Win,
chính quyền quốc hữu hóa tất cả các doanh nghiệp và ngành công nghiệp, chỉ trừ
nông nghiệp.
Đói khổ và vô vọng dẫn
đến các cuộc biểu tình liên tiếp. Chính quyền phản ứng lại bằng cách đàn áp đẫm
máu.
Năm 1962, sinh viên trường
Rangoon biểu tình, bị đàn áp khiến 15 người chết. Gần mười năm sau, nhân đám
tang U Thant — cựu Tổng Thư Kí Liên Hiệp Quốc người Miến Điện — năm 1975, biểu
tình lại một lần nữa diễn ra và lại bị đàn áp. Các cuộc biểu tình sau đó lần lượt
diễn ra trong các năm 1975, 1976, 1977 và đều bị dập tắt.
Tuy vậy, các cuộc biểu
tình là một môi trường tốt đã rèn luyện và gắn bó những người dấn thân cho dân
chủ của Miến Điện lại với nhau. Để rồi mười năm sau, năm 1988, phong trào phản
kháng của sinh viên Rangoon một lần nữa lan ra toàn quốc và qui tụ mọi thành phần
xã hội. Do bắt đầu từ ngày 8/8/1988, cuộc phản kháng được lấy tên gọi là 8888.
Cuộc phản kháng kéo dài được chừng một tháng thì đảo chính quân sự xảy ra, chính
quyền quân nhân thiết lập và như mọi lần ra tay dập tắt.  Cuộc phản kháng bị dập tắt nhưng một hệ quả
to lớn của nó là sự hình thành một đảng chính trị, với các thành viên nòng cốt
được tôi luyện từ các phong trào biểu tình trước đây: đảng Liên Đoàn Quốc Gia
vì Dân Chủ (NLD) hình thành với Aung San Suu Kyi đóng vai trò một biểu tượng. 
Sự hình thành một tổ
chức đối lập ở Miến Điện cùng với các áp lực quốc tế khiến giới cầm quyền Miến
Điện lúc bấy giờ phải tìm một giải pháp thoát hiểm. Họ mạo hiểm tổ chức một cuộc
tổng tuyển cử nhằm chọn ra các thành viên cho một ủy ban soạn thảo hiến pháp.
Trong tổng số 492 ghế, đảng NLD của Aung San Suu Kyi chiếm 392 ghế. 392/492 hay
80% một tỉ số áp đảo thể hiện sự phẫn nộ của nhân dân với giới cầm quyền. Chính
quyền quân nhân không công nhận kết quả bỏ phiếu và đặt NLD ra ngoài vòng pháp
luật. Các lãnh tụ NLD tiếp tục bị bắt giam và Aung San Suu Kyi bị giam lỏng tại
gia.
Đàn áp chính trị ở Miến
Điện khiến chính phủ các nước phương Tây gia tăng cấm vận và nền kinh tế Miến
Điện trở nên bi đát hơn. Hàng hóa khan hiếm cùng với quản lý kinh tế yếu kém
khiến kinh tế ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Trong khoảng những năm 1990 đến
2007, mức lạm phát trung bình ở Miến Điện là 25%. Đi kèm với nó là thiếu hụt
ngoại tệ. Tỉ giá hối đoái niêm yết chính thức của chính phủ thường thấp hơn mức
giá chợ đen đến khoảng 200 lần.
Nghèo đói, vô vọng và
các cuộc phản kháng không đủ để làm chùn bàn tay đàn áp của chính quyền quân
nhân cho đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2007-2009 diễn ra. Lúc bấy
giờ giới quân nhân mới lựa chọn cửa thứ hai của ván bài: cải cách có kiếm soát,
thay cho tiếp tục đàn áp.
Dù bị cấm vận và cô lập
bởi các nước phương Tây, Miến Điện vẫn có những trao đổi và đầu tư từ một số nước
châu Á như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ và Hàn Quốc. Các công ty giao
dịch của Miến Điện chủ yếu nằm trong tay các gia đình tướng lĩnh. Thu nhập của
Miến Điện chủ yếu đến từ xuất khẩu gỗ, đá quý, du lịch và một phần đáng kể kiều
hối. Cuộc khủng hoảng kinh tế sâu đậm 2007-2009 do đó không những làm cho các
khoản thu của chính quyền suy giảm mạnh mà còn làm cho thu nhập của giới doanh
nghiệp trong tay gia đình các tướng lĩnh trở nên điêu đứng. Và chỉ khi có sự đồng
thuận của hội đồng tướng lĩnh, tướng Than Shwe và người kế nhiệm Thein Sein mới
có thể nhanh chóng triển khai các cải cách một cách có kiểm soát một cách trôi
chảy. Gọi là các cải cách có kiểm soát vì giới quân nhân vẫn còn nắm trong tay
quân đội và tự cho mình quyền giữ 25% tổng số ghế trong quốc hội.
Dù cuộc cải cách dân
chủ Miến Điện chưa trọn vẹn, những tiến triển trong quá trình dân chủ hóa Miến
Điện đã đi những bước dài và khó có thể quay trở lại. Tuy vậy, vẫn còn rất lâu
trước khi NLD và giới quân nhân tạo được sự tin tưởng chính trị với nhau. Chỉ
khi NLD có thể trấn an giới cầm quyền quân nhân rằng quá khứ là quá khứ và hòa
giải là con đường phía trước cho một quốc gia thì Miến Điện mới có thể tiến gần
hơn đến một thể chế dân chủ đầy đủ. Mà một cuộc hòa giải có khi phải mất cả thế
hệ.
Nếu có một bài học rút
ra từ cuộc cải cách dân chủ ở Miến Điện thì đó hẳn là các cuộc phản kháng là
môi trường gắn kết các cá nhân dấn thân cho đất nước. Cuộc gắn kết đó cuối cùng
dẫn đến sự hình thành một tổ chức đối lập qui tụ đủ mọi thành phần. Và cuối
cùng, đối diện với một chính quyền độc tài đang chơi bài nhiều cửa, đối lập áp
lực và thuyết phục chính quyền rằng cải cách dân chủ hóa hòa bình là con đường
thoát hiểm của giới cầm quyền và cũng là con đường đem lại lợi ích của dân tộc.
Nguyễn Huy Vũ

Minneapolis, 9/11/2015

Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *