Nguồn: Internet |
Sự khác biệt lớn nhất đầu tiên đó là tính bất ngờ trong chiến lược của tổng thống Donald Trump. Giống như những gì ông đã từng biện hộ trong hai cuốn sách của mình, không ai biết rằng chính quyền Mỹ dưới triều Donald Trump sẽ làm gì kế tiếp. Chính vì tính bất ngờ đó mà đối thủ và kể cả các đồng minh đều ở trong trạng thái suy đoán và phòng vệ đối với Hoa Kỳ. Sự bất ngờ và là không chắc chắn trong chiến lược của chính quyền Donald Trump còn thể hiện ở chỗ chính sách đưa ra cho các nước khác nhau sẽ khác nhau, dựa vào lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ, chứ không phải dựa trên một khung tiêu chuẩn chung. Lấy ví dụ như Việt Nam và Campuchia. Cả hai nước đều có thành tích vi phạm nhân quyền một cách tồi tệ trong năm qua nhưng Hoa Kỳ hầu như không có sự lên tiếng đáng kể đối với Việt Nam, thậm chí thắt chặt mối quan hệ, trong khi lên án nặng nề Campuchia, cắt các khoản viện trợ và thắt chặt visa của các quan chức đến Hoa Kỳ.
Sự khác biệt chính sách này bắt nguồn từ cách tiếp cận mới của chính quyền Donald Trump. Cho dù chính sách xoay trục về châu Á thì không đổi nhưng cách tiếp cận thì thay đổi hoàn toàn. Nếu như tổng thống Barack Obama từng tuyên bố rằng những chính quyền nào thay đổi thì Hoa Kỳ sẽ chìa bàn tay ra, tức ở đây là Hoa Kỳ chỉ thực sự thắt chặt mối quan hệ sau khi nước đối tác thay đổi chính sách theo hướng dân chủ, phù hợp với các giá trị văn minh hơn, và thân thiện với Hoa Kỳ. Chính sách này diễn ra ở Miến Điện khi chính quyền quân nhân Miến Điện thay đổi thì Hoa Kỳ dỡ bỏ từ từ các cấm vận và mở lại các kênh ngoại giao. Tuy vậy, chính sách này thất bại ở Triều Tiên và không mấy thành công ở Việt Nam. Trong suốt 8 năm cầm quyền của chính quyền Obama, mối quan hệ quân sự của Việt Nam và Hoa Kỳ diễn ra rất chậm chạp, chỉ dừng lại ở việc mua bán các vũ khí không gây sát thương và các chuyến thăm viếng ngoại giao của các tàu chiến Hoa Kỳ. Nó đơn giản vì chính quyền Việt Nam vẫn còn lo ngại âm mưu “diễn biến hoà bình” nhằm thay đổi chế độ như cách chính quyền tổng thống Barack Obama đã ủng hộ ở Trung Đông.
Ngược lại, chính quyền của tổng thống Donald Trump chủ trương tiếp cận vì lợi ích của Hoa Kỳ, chứ không đặt mục tiêu hàng đầu là thay đổi một chế độ. Và lợi ích của Hoa Kỳ là bảo đảm vị thế siêu cường của mình ở châu Á – Thái Bình Dương nhằm bảo đảm các lợi ích kinh tế và chính trị của mình ở đây. Đối mặt với một đối thủ mới là Trung Quốc, Hoa Kỳ do đó cần tìm các đồng minh. Không phải là sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ yếu hơn Trung Quốc hay Hoa Kỳ sợ đánh nhau với Trung Quốc, nhưng một khi mà Hoa Kỳ xây dựng được một mạng lưới đồng minh đủ mạnh và mạng lưới các đồng minh này muốn duy trì trật tự hoà bình hiện có ở Thái Bình Dương thì đã đủ để Hoa Kỳ tiếp tục vị thế siêu cường hiện nay mà không phải tốn một viên đạn hay một người lính. Ngoại giao do đó đóng một vai trò cực kỳ quan trọng là vậy. Tuy vậy, muốn duy trì được trật tự thế giới này, ngoài việc liên tục xây dựng các đồng minh ở khu vực, Hoa Kỳ cũng phải bố trí các hệ thống vũ khí, thực hiện các cuộc tập trận để thể hiện sức mạnh, đồng thời liên tục nâng cấp hệ thống vũ khí của mình nhằm trấn an các đồng minh.
Các bước cho chiến lược này đã được thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua. Bằng cách duy trì hệ thống tên lửa đánh chặn ở Hàn Quốc, với danh nghĩa là theo dõi Bắc Triều Tiên, nhưng thực chất là một công đôi việc, hệ thống này theo dõi luôn cả các động tĩnh của hệ thống không quân của Trung Quốc. Các cuộc tập trận liên tục với Hàn Quốc nhằm chuẩn bị khả năng đối phó với Triều Tiên nhưng thực chất cũng có thể để đối phó với Trung Quốc. Trong khi Úc đang lừng khừng trong chính sách giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì Trung Quốc là một đối tác nhập khẩu lớn của Úc, Hoa Kỳ đã cử một đại sứ mới là cựu tướng lĩnh trong quân đội, người mang một nửa dòng máu Nhật Bản, và chống Trung Quốc kịch liệt làm đại sứ với hi vọng thắt chặt mối quan hệ đồng minh với Úc. Với Ấn Độ, quốc hội Hoa Kỳ năm 2017 đã thông qua đạo luật Uỷ quyền Quốc phòng Quốc gia (National Defense Authorization Act – NDAA) trong đó công nhận Ấn Độ là một đối tác quốc phòng chính. Cam kết luật hoá này cùng với việc giảm bớt mối quan hệ với Pakistan được cho là mở đường cho những hợp tác quân sự rộng lớn hơn giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ khi mà trước đây Hoa Kỳ thực hiện một lối ngoại giao đu dây giữa hai quốc gia thù địch là Pakistan và Ấn Độ.
Như vậy, các chính sách ngoại giao và quốc phòng của Hoa Kỳ liên tục kể từ thời tổng thống Barack Obama cho tới tổng thống Donald Trump đã giúp thiết lập nhóm đồng minh Hoa Kỳ-Nhật-Úc-Ấn Độ nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Một Việt Nam mạnh về quốc phòng và nếu là đồng minh (dù không chính thức) của Hoa Kỳ sẽ giúp Hoa Kỳ có thêm sức mạnh trong việc kềm chế Trung Quốc. Do đó mà Hoa Kỳ dưới chính quyền tổng thống Donald Trump tìm cách để lôi kéo Việt Nam về phía mình, bỏ qua một bên chuyện nhân quyền. Một mặt, chính quyền tổng thống Donald Trump mời gọi bán vũ khí cho Việt Nam, mặc khác sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quân đội bằng các chuyến viếng thăm và mở rộng các chương trình đào tạo quân nhân cho Việt Nam. Chính quyền Việt Nam dường như bắt được các tín hiệu này nên thoải mái đàn áp nhân quyền và mở rộng mối quan hệ với Hoa Kỳ và Ấn Độ bằng cách long trọng đón hàng không mẫu hạm và sắp tới đây tham gia tập trận với Ấn Độ.
Giới đầu tư nhận định kinh tế Trung Quốc đang đi xuống và gặp khó khăn, tuy vậy, không ai biết chắc chắn điều gì thực sự đang diễn ra và đâu là cách chính quyền sẽ giải quyết. Tất cả chỉ như một tấm màn huyền bí. Không phải ngẫu nhiên mà Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn bỏ tính nhiệm kỳ của người lãnh đạo cao nhất lúc này, đơn giản là vì họ muốn duy trì sự ổn định hiện nay nhằm giải quyết các vấn đề nội tại của mình. Nhưng, không gì phá huỷ quốc gia nhanh chóng bằng việc thiết lập một chế độ độc tài, nhất là khi mà những mâu thuẫn nội tại đang trở nên ngày càng lớn. Venezuela là một ví dụ. Vì vậy mà với các đối thủ của Trung Quốc, không gì thầm vui hơn là việc Trung Quốc lún sâu vào một chế độ độc tài.
Tuần rồi, chính quyền tổng thống Donald Trump áp đặt mức thuế nhập khẩu lên thép và nhôm. Mức đánh thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm nhập khẩu được cho là bảo vệ ngành thép trong nước và để chống việc Trung Quốc bán thép Trung Quốc vào Hoa Kỳ, mặc dù Trung Quốc chỉ là một trong mười nước xuất khẩu thép lớn nhất vào Hoa Kỳ. Đây mới chỉ là bước đầu trong các thay đổi chính sách thương mại của chính quyền Donald Trump, mà nếu Trung Quốc phản pháo thì những thay đổi chính sách có thể sẽ dẫn đến một cuộc chiến thương mại mới, càng gây bất lợi cho nội bộ Trung Quốc khi đang phải đối phó với sự đi xuống của nền kinh tế.
Một điểm nổi bật khác của chính quyền Donald Trump đó là chính sách “tit-for-tat”, tức ăn miếng trả miếng. Việc Trung Quốc chỉ hứa hẹn Hoa Kỳ trong các dàn xếp nhằm phi hạt nhân hoá Bắc Triều Tiên mà không dẫn đến các thay đổi thực chất dẫn đến việc Hoa Kỳ trả đũa bằng cách quyết tâm thắt chặt mối quan hệ với Đài Loan thông qua một đạo luật di chuyển (Taiwan Travel Act) trong đó cho phép các quan chức Hoa Kỳ và Đài Loan được phép thăm viếng lẫn nhau dưới những điều kiện chính thức được tôn trọng và khuyến khích các mối quan hệ thương mại của Đài Loan với Hoa Kỳ. Nếu như trước đây các quan chức Đài Loan chỉ được thăm viếng Hoa Kỳ dưới những điều kiện phi chính thức bởi chính sách “Một Trung Quốc” trong đó coi Đài Loan với gần 24 triệu người là một đảo quốc ly khai của Trung Quốc thì đạo luật này đưa mối quan hệ với Đài Loan lên một bước tiến mới, chỉ dưới mức chính thức công nhận một nhà nước độc lập.
Điểm lại các sự kiện để thấy rằng đối mặt với một Trung Quốc đang bất ổn, các chiến lược của Hoa Kỳ đang bao vây Trung Quốc ở các mặt và một Việt Nam độc lập, mạnh mẽ và thịnh vượng sẽ là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ. Chính vì vậy mà Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thắt chặt mối quan hệ với Việt Nam, bỏ qua một bên chuyện nhân quyền. Nhưng, để Việt Nam trở nên mạnh mẽ và thịnh vượng thì không gì hơn là mở rộng và cải thiện các không gian tự do, có như vậy thì Việt Nam mới phát triển. Nếu Việt Nam không tự thay đổi hôm nay thì khi nào?
Nguyễn Huy Vũ
5.3.2018
Leave a Reply