Tại sao chúng ta nên ủng hộ ứng cử tự do?

Tại sao chúng ta nên ủng hộ ứng cử tự do? Có vài lẽ.
Dù biết rằng bầu cử Quốc hội từ trước đến nay là một sự dàn dựng của đảng Cộng sản nhằm hợp pháp hóa tính chính danh lãnh đạo đất nước, sự không ứng cử đại biểu Quốc hội của những người ngoài Đảng và phó mặc sự chọn lựa các đại biểu quốc hội vào tay Đảng nó sẽ là một dịp để Đảng có thể tuyên truyền rằng đây là một Quốc hội của dân, và vì không có một ứng cử viên độc lập nào nó sẽ là một bằng chứng cho sự tuyên truyền rằng người dân tin và phó thác đất nước vào sự lãnh đạo của Đảng. 
Hà Giang. Nguồn: Internet.
Ủng hộ ứng cử tự do, do đó, sẽ là tiếng nói phản biện rằng chúng tôi muốn một sự chọn lựa khác ngoài Đảng.
Trong trường hợp bi quan nhất sẽ không có ai qua được vòng hiệp thương để được ứng cử làm đại biểu Quốc hội. Nhưng chính hành động ứng cử tự do của những cá nhân ngoài Đảng nó sẽ giúp nâng cao nhận thức của xã hội rằng quyền tự do, mà ở đây là quyền tự do ứng cử, hoàn toàn không có ở Việt Nam và bầu cử Quốc hội thực chất là một màn diễn kịch. 
Sự gạt bỏ các ứng cử viên độc lập trong trường hợp này sẽ trở thành một bằng chứng rõ rệt tố cáo sự mất dân chủ. Hành động này do đó giúp tăng tính chính danh của những người hoạt động dân chủ rằng họ chỉ đòi hỏi một cách hòa bình những gì mà đảng cầm quyền ghi ở Hiến pháp; ngược lại, nó làm giảm đi uy tín và tính chính danh của Đảng rằng Quốc hội và Chính phủ không phải là những đại diện hợp pháp của nhân dân. 
Sự tham gia ứng cử Quốc hội của các ứng viên tự do cũng sẽ giúp làm giảm đi sự sợ hãi tham gia chính trị của người dân, khiến người dân thấy rằng chính trị là những gì gần gũi và không đáng phải sợ hãi. Đó là bỏ phiếu bầu một cách có trách nhiệm cho vị dân biểu đại diện cho mình và vì quyền lợi của nước mình ở Quốc hội. Nên nhớ rằng các chức vụ Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, theo luật pháp, đều được bầu bởi Quốc hội. 
Hành động ứng cử Quốc hội của các ứng viên tự do cũng mở đường cho một tiền lệ rằng chính trị giờ đây không còn là một sự độc quyền của Đảng Cộng sản và các đảng viên nữa; và bên cạnh nó là sự lớn mạnh của lực lượng những người ngoài Đảng. 
Đây cũng là một cơ hội hiếm hoi để những người hoạt động dân chủ quảng bá cho chính mình. Họ cần cho nhân dân thấy rằng sự hiểu biết, trình độ, sự tận tâm với quốc gia, và lòng yêu nước của mình không thua kém bất kỳ một ứng cử viên nào của Đảng Cộng sản, và như vậy, họ hiển hiện là đại diện cho một sự thay thế tiềm năng để lãnh đạo đất nước. Và nếu lực lượng dân chủ chứng tỏ được rằng các ứng cử viên của họ vượt trội hơn các ứng cử viên của Đảng thì cho dù họ bị loại ra ngay từ vòng hiệp thương, họ cũng sẽ tạo ra một ấn tượng và niềm tin cho nhân dân rằng chúng ta luôn có một chọn lựa khác – một nước Việt Nam xứng đáng được dẫn dắt bởi những người ưu tú hơn. Phong trào dân chủ sau đó sẽ bước sang một giai đoạn phát triển khác. 
Trong trường hợp lạc quan, sẽ có vài ứng cử viên được vào Quốc hội. Sự xuất hiện các dân biểu độc lập ở Quốc hội dù khiêm tốn ở số lượng nó sẽ giúp củng cố niềm tin trong dân chúng rằng có một con đường phía trước để dân chủ hóa đất nước, đó là ủng hộ cho phe các ứng cử viên ngoài Đảng ở các kì bầu cử sau. Những ví dụ ở Đài Loan và cả ở Miến Điện trong giai đoạn dân chủ hóa cho những minh chứng rõ nét nhất. Trong cả hai trường hợp, ban đầu đều có sự xuất hiện một thiểu số các dân biểu đối lập ở Quốc hội. Sự xuất hiện các dân biểu đối lập ở Quốc hội tiếp theo đó khích lệ sự ủng hộ của dân chúng đối với phong trào dân chủ và cho phe đối lập. Sau đó, dân chủ hóa thực sự diễn ra khi phe đối lập thắng trong cuộc bầu cử hòa bình. 
Đối với nhà cầm quyền, đây là một cơ hội hiếm hoi để đưa đất nước sang trang. Dù muốn dù không, phải nhìn một thực tế rằng đất nước đang bế tắt và nút thắt để mở một hướng đi cho dân tộc là ủng hộ, hoặc công khai hoặc ngấm ngầm, sự mở cửa dân chủ hóa chính trị đất nước. Vì chỉ khi có dân chủ thì mới động viên được những người có khả năng bước ra dẫn dắt đất nước, như một con thuyền cần những thuyền trưởng giỏi để vượt qua những con sóng lớn. 
Dân chủ hóa cũng là một xu hướng của thời đại khi ngày càng nhiều những quốc gia trở nên dân chủ mà dù muốn cố tình không nghĩ tới nhà cầm quyền cũng phải nhìn nhận một sự thật rằng sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ trở thành một nước dân chủ. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Và như vậy thì câu hỏi còn lại là dân chủ hóa sớm có lợi cho đất nước và cho Đảng không? Vế đầu thì chắc có, chỉ còn vế sau. 
Sự ủng hộ dân chủ hóa của Đảng là một cơ hội cuối cùng để lấy lại uy tín của chính mình, vì vai trò của Đảng trong việc đem lại một quốc gia thịnh vượng và tiến bộ cho đến nay hầu như đã thất bại. Đảng Cộng sản có thể không mất đi, tuy vậy, để tồn tại và tiếp tục đồng hành với dân tộc, Đảng phải chọn lựa lại những nhân sự và đưa ra một hướng đi mới để đáp lại nguyện vọng của người dân. Những kinh nghiệm của Đài Loan cho thấy pha cuối cùng của dân chủ hóa diễn ra khi Quốc Dân Đảng lần đầu trao quyền lãnh đạo cho Dân Tiến Đảng năm 2000 với sự thắng cử của Tổng thống Trần Thủy Biển. Nhưng bằng cách đổi mới, Quốc Dân Đảng vẫn đứng dậy và thắng cử ở lần bầu cử sau vào năm 2008 với sự thắng cử của Tổng thống Mã Anh Cửu.
Cuối cùng thì có ai sống mãi với thời gian và dân tộc? Nếu hôm nay chúng ta không thay đổi thì đợi bao giờ? Nếu không phải chính chúng ta thay đổi thì chúng ta đợi ai?
Nguyễn Huy Vũ
29 Tết Bính Thân, Minneapolis 

Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *