Đâu là những cách thức mà một chính quyền độc tài thực hiện nhằm duy trì quyền lực của mình và làm thui chột sự phát triển của phong trào dân chủ hóa đất nước? Dưới đây là một tóm tắt.
Nguồn: Internet. |
1. Phá hoại đoàn kết phong trào.
(a) Có hai cách để phá hoại đoàn kết phong trào. Cách đầu tiên là thực hiện các chiến thuật nhằm tạo nên hiềm khích giữa các thành viên trong phong trào. Khi những thành viên cộm cán của phong trào hiềm khích nhau, phong trào mất đi khả năng lớn mạnh.
(b) Cách thứ hai là gây chia rẽ hướng đi giữa các nhóm trong phong trào. Với một chiến dịch có khả năng gây hại cho nhà cầm quyền, các chiến lược được đưa ra nhằm tách phong trào thành hai nhóm đối chọi nhau, một nhóm ủng hộ và một nhóm chống đối chiến dịch. Bằng cách đó, nhà cầm quyền bẻ gãy đi một nửa sức mạnh của phong trào. Với một phong trào còn non yếu, chiến dịch, vốn có khả năng gây hại cho nhà cầm quyền, tự nó sẽ giải tán.
2. Làm chệch hướng dư luận. Khi những sự kiện, vốn bất lợi cho nhà cầm quyền, bắt đầu thu hút được sự chú ý của dư luận, nhà cầm quyền, thông qua các phương tiện truyền thông, tung các tin tức và sự kiện gây chú ý khác nhằm lái dư luận sang một hướng khác và làm nguội đi sự tập trung của dư luận đối với sự kiện đầu.
3. Dùng nội gián. Bằng cách nuôi dưỡng những dư luận viên cấp cao hoặc những nhà dân chủ cuội nhà cầm quyền thao túng được phong trào. Những dư luận viên cấp cao sẽ luôn thể hiện mình là những người ủng hộ dân chủ, và bằng nhiều cách khác nhau thu hút sự chú ý của dư luận. Đến thời điểm cần ngăn chặn một chiến dịch của phong trào dân chủ, dư luận viên ra tay định hướng dư luận. Loại nội gián thứ hai là những nhà dân chủ cuội. Những nhà dân chủ cuội hô hào khởi xướng những phong trào hay các đảng phái, nhiệt tình chống chính quyền và kêu gọi người dân tham gia để rồi lưu lại bằng chứng nhằm bỏ tù những nhân vật có khả năng gây hại cho chính quyền.
4. Mị dân. Nhà cầm quyền mị dân bằng nhiều cách khác nhau để kéo dài sự hi vọng của nhân dân vào một sự đổi thay sắp đến. Đó có thể là những phát ngôn ấn tượng thể hiện nguyện vọng của nhân dân rồi sau đó thì “vũ như cẩn”. Đó có thể là kêu gọi đưa ra một bộ luật hợp lòng dân, và rồi sau vài lần nhấc lên hạ xuống thì khất để sang năm.
5. Xì hơi quả bong bóng. Trong trường hợp đối diện với sự bức xức của người dân và thấy rằng nó có khả năng giúp người dân qui tụ quanh phong trào dân chủ, nhà cầm quyền sẽ có động thái nhằm làm giảm bong bóng bức xức của người dân. Đó có thể là kỉ luật một anh cán bộ nào đó, sau đó thuyên chuyển sang vị trí khác. Đó cũng có thể là những tuyên bố ấn tượng và rút sợi dây kinh nghiệm. Đó cũng có thể là những dàn xếp phía sau những bức tường.
6. Mua chuộc. Nhà cầm quyền có thể mua chuộc một vài cá nhân trong phong trào bằng cách chìa cây gậy và củ cà rốt ra để hứa hẹn với những cá nhân cộm cán của phong trào. Nếu anh từ bỏ con đường đấu tranh cho dân chủ thì nhà nước sẽ tạo điều kiện cho công việc.
7. Lợi dụng uy tín. Để tăng tính chính danh của mình nhà cầm quyền liên tục dùng các phương thức khác nhau để kéo các trí thức có tiếng về phía mình, cùng lúc đó là dùng các cơ hội khác nhau để đánh bóng tên tuổi các trí thức qui thuận nhà cầm quyền. Đó là sự vinh danh qua các giải thưởng, các hợp đồng béo bở, các vị trí công việc nhiều bổng lộc. Việc tặng thưởng cho các trí thức uy tín mang hai ý nghĩa cho nhà cầm quyền. Một mặt, nó là một lý cớ cho nhà cầm quyền tuyên truyền cho tính chính danh của mình rằng những trí thức uy tín nhất đều coi nhà cầm quyền là đại diện của đất nước, của dân, do dân, và vì dân. Một mặt khác, bằng cách trao tặng những giải thưởng cho các trí thức lớn nó cũng giúp tăng thêm uy tín của giải thưởng của nhà cầm quyền. Những bổng lộc gửi tới các trí thức, cùng những cái bắt tay, trò chuyện thân tình, mộc mạc, có tác dụng đi vào lòng người gấp nhiều lần những khẩu hiệu khô cứng. Những thiện cảm có được từ đó của các trí thức với nhà cầm quyền một cách tự nhiên kéo trí thức gần lại với nhà cầm quyền, để quên rằng họ là những nhà độc tài tham nhũng và đã bỏ tù những tiếng nói khác biệt.
8. Xây dựng những hình ảnh choáng ngợp. Nhà cầm quyền ở các chế độ độc tài luôn cố gắng thể hiện mình là những lãnh đạo vì nước vì dân. Và một cách dễ nhất để gây ấn tượng với người dân nước họ là cố gắng xây dựng những công trình ấn tượng với nhiều cái nhất. Tòa nhà cao nhất, sân vận động to nhất, thành phố xanh sạch nhất, sân bay hiện đại nhất, thám hiểm mặt Trăng sớm nhất, khu nghỉ dưỡng to nhất…Để rồi khi người dân tin vào tài lãnh đạo của nhà độc tài, họ cũng quên luôn một điều đơn giản rằng tay độc tài này đâu phải do dân bầu lên, và nếu có dân chủ, biết đâu ta có thể chọn nên một lãnh đạo ít nhất cũng tài giỏi không kém gì vì nếu không ai tài hơn nhà độc tài nọ thì anh ta vẫn có thể sẽ tiếp tục công việc của mình.
9. Ngu dân. Để người dân khỏi hình thành những đòi hỏi dân chủ, nhà cầm quyền thông qua chính sách văn hóa giáo dục thực hiện chính sách ngu dân. Một vài trong các chính sách này là bóp méo các dữ kiện lịch sử theo hướng có lợi cho nhà cầm quyền, hạn chế báo chí tự do, cấm đưa các tin không tốt tới chính quyền, thực hiện một chính sách giáo dục rập khuôn, hạn chế phản biện, không tập trung vào các đề tài dân chủ, nhân quyền.
10. Đàn áp cá nhân. Cách dễ nhận thấy và là điểm chung nhất của các chế độ độc tài là đàn áp những cá nhân nói lên tiếng nói khác biệt khi họ thấy những tiếng nói này có thể đẩy đất nước theo hướng dân chủ hóa, bất lợi cho nhà cầm quyền. Các biện pháp bao gồm: áp lực lên chỗ làm việc nhằm cắt hợp đồng hoặc không cho vào biên chế, cho người hăm dọa, canh gác, đánh lén, bỏ tù, trục xuất, thậm chí thủ tiêu, hoặc kiện cho tan gia bại sản.
Trên đây là vài trong số rất nhiều các biện pháp mà những nhà cầm quyền độc tài thực hiện nhằm duy trì quyền lực của mình. Biết được điều đó trước hết giúp chúng ta có cơ hội chiêm nghiệm và hiểu biết hơn ý nghĩa đằng sau các chính sách, hành động, và phát ngôn của các lãnh đạo chính trị, nhất là ở các nước độc tài. Với những cá nhân dấn thân vận động cho dân chủ hóa ở một đất nước, chú ý đến những điều trên có thể giúp họ có được những nhận xét và phán đoán chính trị tốt hơn để từ đó đưa ra cách hóa giải nhằm thúc đẩy đất nước ngày càng trở nên văn minh và dân chủ.
Nguyễn Huy Vũ
Minneapolis, 19.2.2016
Leave a Reply